Saturday, December 27, 2008

Chữ với Nghĩa ________

Chữ với Nghĩa(cập nhật 25t8n2013)

(Mục "Chữ với Nghĩa" này nguyên thủy ở bên Yahoo 360, và từ hôm nay sẽ được cập nhật tại đây. __27-12-2008)


Sau đây là những từ ngữ thích hợp hơn mà trang VNTươngLai sử dụng:


- Dùng chữ ĐỌC GIẢ (reader) thay vì chữ ĐỘC GIẢ __ Chữ “”độc” có nhiều nghĩa, nhất là thiên về hướng định nghĩa không tích cực. Chữ “đọc” tuy không thuần Hán để ghép với chữ “giả”, nhưng nghe nhẹ nhàng và đỡ phiền phức hơn. Đôi người thay “đọc giả” bằng “người đọc” hoặc “bạn đọc”.

- Dùng chữ VÕ KHÍ (weapon) thay vì chữ VŨ KHÍ ____ Chữ "võ" là biến thể của chữ "vũ" có nghĩa là những gì liên quan đến sức lực, tương phản với liên quan đến trí não là "văn". Việc biến đổi chữ "vũ" ra "võ" rất là cần thiết vì chữ "võ" chỉ có một nghĩa, trong khi chữ "vũ" có khá nhiều nghĩa, điển hình là sự múa máy như trong chữ "vũ điệu", "vũ trường", "vũ công", v.v. Sự biến dạng hữu ích này đã bắt đầu từ khi các bậc văn hóa tiền bối di chuyển dần vào các phần đất ở phía Nam. (Nhân đây, trang VNTuongLai xin tỏ lòng kính phục các vị tiền nhân đã nghĩ đến viễn ảnh ngày mai cho những thế hệ theo sau mà tạo ra những biến đổi rất hợp lý và phong phú.)

- Dùng chữ CỰU (former) thay vì chữ NGUYÊN ____ Ví dụ: "cựu giám đốc" thay vì "nguyên giám đốc". "Nguyên" (original) là cội gốc, như nguyên quán (original town, hometown), nguyên thủy (genesis), nguyên văn (original statements), nguyên nhân (original factor, cause).

- Dùng từ ngữ XÃ HỘI CÔNG DÂN (civil society) thay vì từ ngữ XÃ HỘI DÂN SỰ.

- Dùng chữ LIÊN LẠC (contact) thay vì chữ LIÊN HỆ ____ "lạc" (lạt) là quấn hoặc ràng buộc vào. Đã từ lâu "liên lạc" có nghĩa là với đến (reach out) người hay tổ chức nào. Còn "liên hệ" (relation, related) là tương quan về vị thế, thế hệ. Ví dụ: "Ông ấy và tôi có liên hệ anh em". "Bà ấy và đứa bé có liên hệ dì cháu".

- Dùng chữ PHẨM CHẤT (quality) thay vì chữ CHẤT LƯỢNG ____ đã là "chất" mà còn "lượng" à?

- Dùng chữ NỐI KẾT (connect / add) thay vì LIÊN KẾT ____ "liên kết" là tụ họp lại để cùng làm một việc gì có chung ý hướng ["liên minh đoàn kết"]. Ví dụ như: "Cư dân trong quận liên kết lại phản đối các hành vi tham nhũng của ban lãnh đạo." Khi blog A nối kết vào blog B thì không có nghĩa là blog A liên kết với blog B vì cả hai chưa chắc có cùng ý hướng. Khi nick A nối kết (add) vào nick B của người bất đồng chính kiến để trao đổi tư tưởng (chat) thì không có nghĩa hai nick này liên kết (liên minh đoàn kết) như có cùng quan điểm.
- Dùng chữ ĐƯỜNG DẪN NHẬP (link) thay vì chữ ĐƯỜNG LIÊN KẾT ____ "link" là đường dẫn để vào một trang mạng nào đó, chứ không có nghĩa liên kết với trang đó, nối kết thì có.

- Dùng từ ngữ CÔNG DÂN MẠNG (Internet citizen) thay vì từ ngữ CƯ DÂN MẠNG ____ "cư dân" là người sinh sống ở một nơi chốn; "công dân" là người có quyền chính đáng (rights) và phúc lợi (benefits) từ một định chế nào của một phạm vi. Người sử dụng mạng không nhất thiết phải sinh sống trên mạng, nhưng khi vào đến phạm vi mạng, họ có đủ quyền chính [đáng] và phúc lợi mà mạng mang đến cho họ.

------------------------
** Một số từ ngữ được viết hoa không phải là để tôn vinh nội dung của nó. Ví dụ như các chữ "Cộng sản", "Quỉ ma", "Khủng bố", v.v.... Sự viết hoa là để nhấn mạnh đến từ ngữ đó. Còn những chữ viết hoa khác là theo qui luật văn phạm.
-----------------------



========================
Những đề nghị của blog VNTuongLai:

-- Nên dịch chữ "Timeline" thành "Thời chuỗi."

Chữ "Timeline" trong tiếng Mỹ có từ lâu rồi, nhưng chúng ta chẳng mấy khi nghe đến, hoặc có nhu cầu chuyển ngữ nó.

"Timeline" có thể dịch là "Thứ tự theo thời gian" của một chủ đề nào đó. Tuy nhiên, dịch qua tiếng Việt như thế có vẻ dài dòng văn tự quá, chưa muốn nói là "dài mỏi cả tay gõ chữ" hay "mỏi cả mồm khi nói."

Từ ngữ "Timeline" càng thêm phổ biến khi gã khổng lồ Facebook sử dụng nó ở trang đầu đình gần đây.           (ghi ngày 25t8n2013)


-- Nên dịch chữ "Website" thành "Mạng điểm".

Chữ “Điểm” chỉ một sự cố định nào đó.

Chữ “Điểm” đã có ở trong nhiều từ ngữ. Ví dụ như: “Địa điểm” là một nơi cố định người ta có thể đến; “Thời điểm” là khoảng thời gian cố định để không lẫn lộn với khoảng thời gian vô tận vô biên từ tạo thiên lập địa; “Cứ điểm” là một nơi cố định đang có quân cứ đóng; “Cao điểm” là nơi cố định có chiều cao và/hoặc danh xưng đi cùng; “Tâm điểm” là một nơi cố định ở giữa những thứ xung quanh; "Tuyến điểm" là một nơi cố định trong một tuyến đường; "Thí điểm" là một nơi hoặc vật cố định nào để dùng thí nghiệm, hoặc để hy sinh; "Cực điểm" là một nơi cố định ở xa nhất.

Vào thời đại Internet trùng trùng điệp điệp, có nhiều nơi để người sử dụng mạng ghé đến. Hiện thời (tháng 9-2009), đa số người ta chỉ dùng chữ "trang nhà" hoặc "trang mạng" để diễn tả nơi đến trên mạng. Nhưng nếu dùng chữ "trang" mãi thì sẽ bị chật vật trong diễn đạt ngôn ngữ, vì trong một website có thể có nhiều trang khác nhau.

Bạn thử dùng chữ "Mạng điểm" để dịch chữ "Website" xem sao. Nếu ai có thắc mắc hoặc khó chịu, thì bạn cứ đổ tội là đã đọc thấy cách dịch ấy ở blog VNTuongLai này. À, đừng nhập nhằng hai chữ "trang mạng" và "mạng điểm", kẻo một lúc nào đó bạn lại vô tình dịch là "trang điểm" thì hỏng hết. (ghi ngày 7t9n2009)


-- Nên biến thể hóa chữ Hán-Việt "Quần" thành "Quờn".

Chữ “Quờn” được biết là giọng đọc của người miền Nam mà nhiều người cho là sự phát âm sai chính tả. Lập luận này được dựa vào một số nhóm chữ phát âm khác biệt giữa hai miền Bắc và Nam. Theo như các bậc tiền bối giải thích thì có sự khác biệt này là vì những đợt người di dân dần vào miền Nam từ thời xa xưa muốn tránh nhắc đến các chữ có trong danh tính của các vua quan; theo thuật ngữ là "húy kỵ".

Nếu cho là vì húy kỵ mà biến "Hoàng" thành "Huỳnh", hoặc "Vũ" thành "Võ" thì nghe có lý. Còn biến thể từ "Quần" ra "Quờn" thì hơi có chút thắc mắc. Có mấy ai, nếu không muốn nói là không bao giờ có ai, trong lịch sử Việt Nam có tên là "Quần" có tiếng tăm uy quyền đến nỗi phải bắt người khác phải húy kỵ chữ “Quần” mà đọc thành "Quờn." "Quần" nghe trong ngôn ngữ thông thường là mảnh vải che phần dưới của thân thể loài người. Vì thế, chắc chỉ người nào có óc trào phúng lắm mới dám đặt tên cho con mình là "Quần".

Chữ "Quần" theo nghĩa Hán-Việt là sự tụ tập lại thành nhóm, hoặc vòng vo trong một khu vực nào đó. Ví dụ như “Quần đảo” là “một nhóm đảo”, “Quần thể” là "một nhóm hình thể", "Quần hùng" là "một qui tụ những anh hùng hào kiệt", "Quần chúng" là "tập thể dân chúng", "Quần hội" là "tụ họp lại với mục đích gì", "Quần thảo" là "xoay động trong một khu vực." Nói chung là chữ "Quần" theo nghĩa Hán-Việt có nhiều nghĩa tích cực.

Trong khi đó, chữ "Quần" trong ngôn ngữ hàng ngày (chữ Nôm) có định nghĩa có vẻ không được nghiêm chỉnh cho lắm vì nó diễn tả mảnh vải che phần thân thể kín nhất mà người lịch sự tránh nhắc đến, nếu không cần thiết. Trong ngôn ngữ không được thanh nhã, người ta moi ra chữ “Quần” để nói lên quan điểm gắt gao của mình như: "Mày chỉ đáng giặt quần cho tao," "Con mụ đàn bà mặc quần không đáy," "Cái đồ tụt quần giữa chợ," "Chui luồn dưới quần tao đi nè." Nói chung là chữ "Quần" theo nghĩa thông thường có nhiều nghĩa tiêu cực hơn, và lại luôn được nhắc đến hàng ngày.

Với cái chữ "Quần" nghe đi nghe lại hàng ngày không được thanh nhã cho lắm (và nhất là lại sống ở gần chợ cá thì khỏi nói), thì thử hỏi xem có ai mà dám đặt tên cho con mình là "Lê Văn Quần", "Trần Hưng Quần", "Nguyễn Hữu Quần", "Phạm Thông Quần", hay "Đỗ Bỉnh Quần" cơ nhỉ. Khó có ai, dù là chẳng có chút học thức, dám đặt tên cho con mình là "Quần," thì thử hỏi có ai trong hàng quan vua lại có người có tên là "Quần" để rồi bắt người dân phải biến thể hóa nó thành "Quờn."

Nếu điều này nghe hợp lý, thì ta có thể giả thuyết rằng chữ "Quần" được biến thể ra "Quờn" không có mục đích húy kỵ danh tính của ai. Và nếu cho rằng dân chúng ngày xưa thiếu học mà không biết phát âm chính xác âm "ÂN" thành "ƠN", thì lại không ổn cho lắm, vì có ai gọi ông vua bên Tàu là "Tờn Thủy Hoàng", hay "Phong trào Cờn Vương" đâu nhỉ.

Chúng ta có thể giải thuyết một cách ổn thỏa rằng những người có học vào thời xưa khi thấy sự nhập nhằng về hai định nghĩa chính của chữ "Quần," nên tạo ra một biến thể là "Quờn" cho ngôn ngữ thêm rõ ràng và phong phú hơn, cho các thế hệ sau này còn thiết tha đến tiếng Việt Nam, và có khi mang lại thêm niềm hãnh diện về văn minh loài người qua ngôn ngữ.

Chúng ta có thể giả thuyết rằng chữ "Quờn" được biến thể để đọc chữ "Quần" có định nghĩa Hán-Việt. Còn chữ "Quần" có định nghĩa trong ngôn ngữ thông thường thì khó mà thay đổi, khi mà đã hàng ngàn năm cả hàng trăm triệu người đã dùng để diễn tả cái mảnh vải có bà con đến cái khố chuối.

Dù giả thuyết về sự kiện trên, cho rằng có các vị tiền bối ưu tư về ngôn ngữ cho các thế hệ tương lai nên đã biến thể hóa chữ "Quần," có đúng với những gì đã xảy ra hay không, thì không cần thiết. Nếu điều đó đã xảy ra thì quả là "thời nào cũng có các anh hùng hào kiệt muốn làm cách mạng về ngôn ngữ."

Cho dù không có "cuộc cách mạng ngôn ngữ cho chữ ‘Quần’ " như trong giả thuyết trên, chúng ta cũng cần ngẫm nghĩ đến việc thật sự cách mạng hóa chữ "Quần," để mang lại nhiều rõ ràng, thanh nhã, và phong phú hơn cho tiếng Việt; không phải chỉ cho lúc này, mà còn cho những thế hệ đi sau còn tha thiết với tiếng Việt.

Toàn bộ cuộc cách mạng này tóm gọn vào câu này: "Biến thể hóa chữ Hán-Việt "Quần" thành "Quờn."

Những chữ có bà con với chữ "Quần" như chữ "Quấn," "Quẫn," thì không cần biến thể, vì chúng không có sự nhập nhằng với các chữ "móc họng" nào.

Khi chữ "Quần" [Hán-Việt] được biến thể thành "Quờn" thì không những thêm rõ ràng hơn về nghĩa, phong phú và thanh nhã hơn về âm thanh, mà nó còn có thêm tiện lợi cho thời đại thông tin này. Thời đại này, chúng ta viết email vội vàng không đánh dấu thì thế nào cũng có chữ bị hiểu sai hoàn toàn và có khi gây đến xung đột. Ví dụ như "dan ba dam dang" mà hiểu là "đàn bà dâm đảng" thì thế nào cũng có chuyện lớn tiếng với một người nào tự hào là "đàn bà đảm đang." Khi chúng ta viết chữ "quon chung" thì người khác dễ dàng hiểu đó là "quờn chúng," không như "quan chung" có thể hiểu là "quân chủng," "quần chùng," "quấn chung," hoặc "quần chúng."

Chữ "quần chúng" thì cả hàng triệu người chúng ta đã khoái chí cười với câu tuyên truyền "Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong quần chúng [ta]."

Tiếng Việt có bị mất đi hay không cũng một phần do chúng ta có muốn hay không cải tiến cho nó thêm rõ ràng, thanh nhã, và phong phú hơn. Nói đến việc mất còn, thì cũng không thể không nhắc đến việc mất còn của hai quờn đảo trên Biển Đông. (ghi ngày 30t3n2009)


-- Nên dịch chữ POSSIBILITY thành KHẢ THẾ thay vì KHẢ NĂNG như một số người gần đây “hiên ngang" sử dụng. Khả năng từ trước đến giờ có nghĩa là năng khiếu/lực khả dụng (capability), ví dụ như: “Ông có khả năng lãnh đạo không?”, “Bạn có khả năng điều đình với khách hàng không?" Khả năng gần như là một sự kiện cụ thể, chắc chắn.


Trong khi đó possibility có nghĩa là một tình thế có thể xảy ra không chắc chắn vì lệ thuộc nhiều yếu tố liên quan. Khi vào một tình thế nào thì ta thường nói bình dân là "vào cái thế này", hoặc "vào cái thế kia." Đôi khi ở vỉa hè, ta gặp vài người dàn Cờ thế để thách thức người nghiền cờ tìm giải pháp cho một tình thế chiến trận đang xảy ra ("Nếu bạn vào cái thế này thì bạn đi cờ làm sao?"). Chữ Thế đã ăn sâu vào ngôn ngữ hàng ngày từ lâu rồi, ví dụ như: "Sao lại nói thế?" "Đến thế này mà còn chối!" "Thế sao anh không hỏi để em đi lấy chồng?" "Hôm trước nói thế này, hôm sau nói thế nọ." "Thế mai mốt đừng hòng nhá." "Xấu thế!" (Có lẽ viết tắt từ "Xấu như thế!")
Nói tóm lại, Thế là Tình thế hoặc Trạng thái. Khả thếTình thế có thể (khả) xảy ra. Khi thấy ai dịch chữ Possibility ra Khả năng thì bạn thử gợi ý người ấy dùng chữ Khả thế xem sao. Làm được thế thì bạn có khả năng truyền đạt ngôn ngữ. (ghi ngày 27t12n2008)


-- Trong chữ viết, Ba Chấm ("...") có nghĩa là (1) "Còn nhiều thứ tương tự không thể kể hết"; (2) "Sự bỏ trống những chi tiết dài dòng để nhảy đến những chi tiết đáng quan tâm hơn”; và (3) “Sự ngập ngừng trong tiếng nói để sửa soạn nói ra một điều gì khá bất ngờ."

Để giảm thiểu sự chung chung này, nên viết định nghĩa thứ ba của Ba Chấm ("...") thành Bốn Chấm (".. ..") chia thành hai nhóm với một khoảng trống ở giữa.
Còn định nghĩa thứ nhì của Ba Chấm ("...") có thể viết thành Ba Chấm trong Ngoặc Vuông ("[...]"). Ngoặc Vuông lâu nay hay được dùng như là sự thay thế những từ ngữ nguyên thủy không suông sẻ cho câu văn, và có khi là sự thiếu sót các chữ nhẽ ra phải có trong đó. (ghi ngày 25t8n2007)

-- Trong chữ viết, Ngoặc Kép ( " " ) có nghĩa là (1) "Nhấn mạnh điều đang nói đến”; (2) “Nguyên văn của lời nói hoặc câu viết”; và (3) "Từ ngữ dùng trong ngoặc là chế biến, hoặc mang tính chất trào phúng hay ngược lại, hoặc là một trong những nghĩa bóng của chữ".

Để giảm thiểu sự chung chung này mà đôi khi dẫn đến hiểu lầm, nên viết định nghĩa thứ ba của Ngoặc Kép ( " " ) có một Gạch Ngang trước các chữ theo sau ở trong Ngoặc Kép ( "- " ). Gạch Ngang tượng trương cho "sự phong phú" ngoài nghĩa đen của cái gì theo sau Gạch Ngang.


-- Dịch từ ngữ "Tháng Tư Đen" ra tiếng Anh/Mỹ là "Dark April" thay vì "Black April". Sau khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng sản (bị "giải phóng") ngày 30 tháng Tư năm 1975, người Việt Nam ở nước ngoài tưởng niệm biến cố đau thương này hàng năm gọi là "Tháng Tư Đen” ngụ ý một sự kiện đen tối đã xảy ra.

Khi dịch “Tháng Tư Đen” ra “Black April” thì đúng về chữ và nghĩa để chỉ một cái gì đau thương, hổ thẹn. Tuy nhiên vào thời đại này chữ "Black” đã được những người gốc châu Phi da đen đưa ra một định nghĩa để chỉ sắc tộc của họ với một sự tôn trọng và hãnh diện. Trước đây trong tiếng Anh có chữ “Negro” để chỉ người da đen, nhưng rồi chữ đó có tính chất sỉ nhục, nên họ gạt bỏ nó, và thay vào đó bằng chữ "Black" với một thành ngữ khuyến khích tính chất tích cực như sau: "Black is Beauty" (Đen là Đẹp).
Khi dịch “Tháng Tư Đen” ra “Dark April” chúng ta tránh được sự ngộ nhận từ người gốc da đen, mà ý nghĩa của từ ngữ “Tháng Tư Đen” vẫn còn nguyên vẹn, nếu không muốn nói là nghe rõ nghĩa hơn.

-- Nên phát âm "NƠM NA" cho chữ "NÔM NA". "Nôm Na" có chữ chính là "NÔM". Chữ Nôm là một cố gắng của các vị tiền bối dùng những ký tự của tiếng Trung Quốc để viết thành những từ ngữ thuần túy tiếng Việt như chúng ta nói chuyện hàng ngày. Cách viết này rất phức tạp, vì muốn đọc được nó thì trước hết phải biết nhận diện tiếng Trung Quốc (Hán), rồi sau đó nhớ thêm những ký tự viết kèm vào tiếng Hán nguyên thủy để phát âm ra tiếng thuần Việt. Người Trung Quốc nhìn dạng chữ này không biết phát âm như thế nào. Người Việt khi chưa học thì cứ nghĩ chữ Nôm là tiếng Hán, và khi học rồi lại phải cố nhớ thêm đến mệt cả óc ra. May thay, sau này nhờ các nhà truyền giáo phương Tây, tiếng Việt được ký tự hóa đơn giản hơn với các mẫu tự La-tinh như chữ viết chúng ta dùng ngày nay.

Có chủ đích bảo tồn và bình dân hóa tiếng Việt, chữ Nôm của thời xưa đã gây rất nhiều khó khăn đến nỗi chữ Nôm đồng nghĩa với sự lờ mờ về chữ này nơi người dân tầm thường. Vì thế, người dân tạo ra chữ “nôm na” để chỉ tính cách lờ mờ, đại khái, không rõ ràng. Rồi sau đó, có thêm thành ngữ "nôm na mách qué" để gọi đùa những ai, hoặc những gì không rõ ràng. Vì sự đùa cợt trong việc dùng chữ "nôm na", chữ Nôm mất đi sự cao thượng của nó.
Ngày nay, một số vị học giả cố gắng bảo tồn và phát huy chữ Nôm, như là một sự trân trọng những nỗ lực cao quí của các vị tiền bối. Chúng ta cũng có thể góp phần tôn trọng di sản văn hóa này bằng cách đổi cách đọc chữ “nôm na” thành "nơm na", và thành ngữ mà là hậu quả của chữ này có thể đọc thành "nơm na mách qué".

-- Nên phát âm danh xưng của nước "Cuba" là "CƯ-BA” để nghe thanh nhã hơn đối với người Việt Nam chúng ta. Địa danh Cư-ba có lẽ là biến thể từ chữ "Colba" khi nhà thám hiểm Christopher Columbus hỏi người bản xứ về tên gọi của hòn đảo này. Có nguồn nói rằng Cư-ba bắt nguồn từ chữ "cubanacain" của bộ lạc TaAno có nghĩa là "khoảnh đất trung tâm" (central place). Cư-ba trở thành nước Cộng sản từ năm 1959 với Fidel Castro là một phiến quân nổi loạn vào năm 1953, và từ đó địa danh Cư-ba đồng nghĩa với sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản ở Châu Mỹ. Năm 1962, Liên Xô trang bị cho Cư-ba nhiều phi đạn chỉa vào nước Mỹ (lúc này Liên Xô đã có đầu đạn nguyên tử/hạt nhân rồi), và bị Tổng thống Kennedy yêu cầu tháo rỡ khỏi Cư-ba. Người dân Cư-ba đang có nhiều hy vọng (2007) thoát khỏi chế độ Cộng sản một khi Fidel Castro “đi gặp cụ Mác, cụ Lê-nin".

-- Không nên gọi "chính quyền Cộng sản Việt Nam" (CSVN) là "chính quyền Hà Nội" vì cách gọi này sỉ nhục những người Hà Nội hoặc người yêu mến Hà Nội thân thương, mà lại không chấp nhận giặc nội xâm Cộng sản. Cụm từ chính xác là "chính quyền Cộng sản" vì 99.9999% người trong chính quyền là Cộng sản, và cách gọi này đâu phải là sự sỉ nhục gì đến Cộng sản. Còn nếu dùng cụm từ "chính quyền Việt Nam" thì là một sự sỉ nhục đến người dân Việt Nam, vì người Việt Nam chưa bao giờ đồng lòng chấp thuận chính quyền này.

=========================================================
=========================================================
VNTuongLai @Yahoo.com
VNTuongLai @Gmail.com